Nhiễm trùng đường tiểu xuất hiện khi tác nhân gây bệnh xâm nhập qua niệu đạo và gây nhiễm trùng ở đường tiết niệu với triệu chứng tiểu buốt, tiểu ra máu, đau bụng dưới... Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể di chuyển tới thận và gây viêm thận. Bệnh hay gặp ở trẻ em gái, ở người lớn phụ nữ dễ bị mắc bệnh hơn nam giới; mùa hè, thời tiết nóng, ẩm cũng là một trong những yếu tố gây bệnh khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi nhưng lại đi tiểu ít đi.
Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu
Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu có thể là cảm giác buồn tiểu thường xuyên hơn bình thường; mót đi tiểu nhưng chỉ có thể tiểu nhỏ giọt, tiểu ngập ngừng, ngắt quãng, phải rặn tiểu hoặc nhỏ giọt nước tiểu cuối bãi; niệu đạo và bàng quang bị viêm; đau ở vùng chậu và bụng; cảm giác nóng rát khi đi tiểu, cảm thấy hay buồn đi tiểu, tiểu ít, nước tiểu đục, nước tiểu có mùi khai hơn hay mùi khó chịu, đôi khi nước tiểu đục hoặc có lẫn máu, tiểu đau, tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần hơn; cơ thể có thể sốt nhẹ và mệt mỏi... Nếu được dùng kháng sinh thì sau 1-2 ngày các triệu chứng sẽ giảm bớt. Một số người dễ bị nhiễm khuẩn đường tiểu vì có hiện tượng trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên trên niệu quản và thậm chí tới cả thận. Buồn nôn, đau vùng thắt lưng và sốt cao có thể là những dấu hiệu của nhiễm khuẩn thận; cần đi khám ngay và làm một số xét nghiệm. Tránh tự ý dùng thuốc hay ngưng thuốc vì có thể bệnh sẽ nặng hơn vì tình trạng kháng thuốc.
Sơ đồ nhiễm trùng đường tiểu ở nữ.
Nguyên nhân gây bệnh
Cấu tạo của cơ quan sinh dục phụ nữ phức tạp. Niệu đạo của phụ nữ (dài 4cm) ngắn hơn so với nam giới (20cm) nên vi trùng đi ngược dòng vào bàng quang dễ dàng hơn; niệu đạo lại nằm gần trực tràng, vi khuẩn từ đây có thể đi vào niệu đạo và gây nhiễm trùng đường tiểu. Niệu đạo nằm cạnh âm đạo, do đó hoạt động tình dục cũng là yếu tố đẩy vi trùng ngược dòng vào bàng quang. Sử dụng màng ngăn âm đạo và một số phương pháp tránh thai (thuốc tránh thai) cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu khi tác dụng phụ của thuốc cản trở việc bài tiết - nước tiểu đọng lại trong bàng quang. Khi bàng quang hoạt động kém và nước tiểu không thoát đi hết dễ bị chảy ngược lại niệu quản. Nước tiểu càng ở lại lâu trong đường niệu, nguy cơ vi khuẩn sinh sôi càng lớn, do vậy tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vệ sinh sơ sài hoặc quá kỹ cũng là yếu tố nguy cơ khiến các vi khuẩn sản sinh nhanh, nhất là vào chu kỳ kinh nguyệt. Ít thay băng vệ sinh sẽ làm vi khuẩn sinh sôi. Ngược lại, việc sử dụng thường xuyên các chất diệt khuẩn, các sản phẩm vệ sinh, sử dụng vòi hoa sen xịt trực tiếp vào âm đạo cũng làm mất cân bằng vi khuẩn, tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có ích. Một nguyên nhân ít ai nghĩ đến nữa là đồ lót quá chật làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm ẩm vùng kín, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cư trú và phát triển.
Phòng ngừa và điều trị
Nhiễm trùng đường tiểu thường được điều trị bằng kháng sinh. Các kháng sinh nên chọn như nhóm trimazon, nhóm quinolon phối hợp với các thuốc có tác dụng sát khuẩn đường niệu, kèm theo uống nhiều nước. Nếu đái buốt nhiều có thể dùng phối hợp với các thuốc giãn cơ trơn như spasmaverin, nospa để làm giảm triệu chứng. Trường hợp nặng cần điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ, triệu chứng sẽ giảm sau vài ngày rồi khỏi. Tuy nhiên nhiễm trùng tiểu là căn bệnh hay tái phát, do đó để phòng ngừa, chị em phụ nữ nên thực hiện bằng các biện pháp đơn giản như sau:
Uống đủ nước, mỗi ngày nên uống từ 1,5 - 2 lít nước. Nước giúp cơ thể bài tiết tốt, tránh ứ đọng nước tiểu ở bàng quang. Bên cạnh đó nên đi tiểu đều đặn và không nhịn tiểu lâu gây ra hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở bàng quang.
Để phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục nói chung, nhiễm trùng đường tiểu nói riêng, chị em cần vệ sinh vùng sinh dục và tầng sinh môn hàng ngày 1-2 lần. Lựa chọn các sản phẩm vệ sinh thích hợp cho cơ quan sinh dục để không làm mất cân bằng hệ vi sinh ở âm đạo. Không nên xịt nước hoặc cho tay vào âm đạo. Không nên dùng nước hoa hay các chất khử mùi ở cơ quan sinh dục. Thay đồ lót hằng ngày, nhất là tối trước khi ngủ. Vệ sinh sau khi đi cầu nên rửa từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn vào vùng sinh dục. Trong những ngày kinh nguyệt, đóng băng vệ sinh đúng cách và thường xuyên thay băng. Nên chọn đồ lót làm bằng sợi bông, thoáng và hạn chế ra mồ hôi để tránh ẩm ướt. Đi tiểu sau quan hệ tình dục, vì trong quá trình giao hợp, niệu đạo là ống nhỏ dẫn nước tiểu từ bàng quang thường mở rất rộng, do đó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn tại khu vực âm đạo có cơ hội đi ngược lên. Phản xạ tiểu tiện sau mỗi lần giao hợp sẽ giúp thải ngay lập tức những mầm bệnh trước khi chúng kịp vào trong bàng quang.
Tăng sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ và cân đối, bổ sung rau xanh và trái cây giàu vitamin C. Khi hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh sẽ góp phần chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
ThS. Nguyễn Tố Ngân