Biện pháp giảm ngứa cho bà bầu

Mang thai và sinh đẻ là một quá trình tự nhiên của con người. Mặc dù vậy nhưng hầu hết thai phụ đều hay gặp một vài dấu hiệu khó chịu, phiền toái khi mang thai như: sạm da (rối loạn sắc tố da), táo bón, có khí hư nhiều, trĩ, ngứa, nhiễm khuẩn đường tiết niệu... Trong đó ngứa là triệu chứng hay gặp nhưng thường ít được quan tâm ngoại trừ khi triệu chứng ngứa đã trở nên trầm trọng phải dùng thuốc.

Nguyên nhân gây ngứa trong thai kỳ

Ngứa trong thai kỳ có thể không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm sinh lý của thai phụ. Những vị trí ngứa thường gặp là ngứa ở hai bầu vú do mô tuyến vú tăng sinh; ngứa ở bụng do sự căng giãn da khi bào thai lớn dần gây rạn da và nổi sẩn mề đay kèm theo tăng sắc tố. Ngứa ở cánh tay, đùi do tích tụ mỡ khi mang thai. Ngứa ở cẳng, bàn chân khi dạ con phát triển, mạch máu đi nuôi cơ thể phần dưới bị chèn ép làm cho máu khó lưu thông sinh phù chân và ngứa. Bên cạnh đó còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người thích nghi với tăng sinh chuyển hóa cơ bản và tăng sinh mạch máu ngoài da khi mang thai. Nếu bạn ở trường hợp da khô thì khi mang thai dễ mắc phải tình trạng ngứa nhiều hơn. Da cũng trở nên nhạy cảm hơn với môi trường khí hậu nóng quá hay lạnh quá. Trong thời gian mang thai, bạn dễ bị tăng tiết mồ hôi nhiều, do đó những vùng da ở kẽ, nếp gấp dưới da (vú, cổ, gáy, ngực, bụng, lưng, bẹn) không được khô thoáng nên dễ mẩn ngứa, rôm sảy. Tình trạng ngứa còn có thể do thay đổi nội tiết trong cơ thể thai phụ; nồng độ estrogen tăng, độ pH ở vùng âm hộ, âm đạo trở nên quá kiềm, chứng viêm nang lông trong thai kỳ... và một số bệnh lý khác.

Cấu trúc da.

Bệnh lý mắc phải khi mang thai

Nhiễm nấm sinh dục: Ngứa kèm với cảm giác nóng rát quanh âm hộ, âm đạo; tiết dịch âm đạo bất thường có màu xám hoặc trắng, có mùi hôi hoặc tanh. Ngứa, rát hoặc đau khi đi tiểu. Một số thuốc bôi ngoài da hay viên đặt âm đạo theo chỉ định của bác sĩ sản khoa sẽ giúp bạn giảm ngứa nhanh chóng và an toàn khi mang thai.

Nhiễm trùng da trong thai kỳ: Ngứa do virut Herpes simplex (HSV) có thể gây nên nhiễm khuẩn da cấp tính. Tuy nhiên hiếm khi virut này gây bệnh trầm trọng và ảnh hưởng tổn hại đến thai nhi. Biểu hiện ngứa hoặc tê nhẹ vùng da trước khi nổi mụn, sau đó nổi mụn nước thành chùm trên nền da đỏ. Vị trí thường gặp: quanh môi và vùng da xung quanh sinh dục. Chúng thường tiến triển thành mụn mủ và phủ vảy tiết lên trên gây ngứa, nóng rát. Trong trường hợp này bạn cần đi khám để được điều trị càng sớm càng tốt, để tổn thương HSV không gây lây nhiễm cho vùng da lành và vùng da bị sẩn ngứa trở về bình thường.

Bị trĩ khi mang thai hay gây ngứa vùng hậu môn: Trong lúc mang thai, do thay đổi nội tiết và phải bổ sung canxi và sắt, cũng như việc ít vận động hơn bình thường gây táo bón dẫn đến tổn thương khi đi đại tiện. Khắc phục tình trạng trên bạn nên ăn các thức ăn có nhiều chất xơ như: rau, hoa quả, giảm ăn cay, nên uống nhiều nước, vận động nhiều. Đừng rặn mạnh khi đại tiện. Nên tập đi đại tiện mỗi ngày vào một khoảng thời gian nhất định, không vội vã. Cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc bôi hậu môn. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.

Lời khuyên của thầy thuốcĐể chăm sóc da và giảm ngứa, bạn nên mặc quần áo rộng và thoáng bằng vải cotton, hạn chế ra ngoài lúc trời nắng nóng. Vệ sinh thân thể hàng ngày, tắm rửa đều đặn bằng nước mát. Tránh dùng các loại sữa tắm hay dung dịch tẩy rửa mạnh, nhiều bọt, quá thơm. Nên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc có thể bạn chỉ tắm bằng nước chứ không dùng sữa tắm.Loại trừ các nguyên nhân gây dị ứng, một số loại cream làm ẩm da và mềm da toàn thân chứa oxid kẽm có tác dụng làm dịu da và giảm ngứa khi da bạn quá khô và bong tróc. Giữ gìn vệ sinh vùng sinh dục, ngâm rửa bằng các thuốc vệ sinh phụ nữ thông thường.Trong những trường hợp ngứa nhiều, ngứa toàn thân kèm với vàng da (chứng tắc mật trong gan ở sản phụ) hoặc phát ban kèm với sốt; phát ban không kèm sốt nhưng có tổn thương ngoài da như chàm, vảy nến, dị ứng thuốc (đang dùng); ngứa do nhiễm nấm Candida hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục... bạn cần đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị hiệu quả, an toàn.

ThS. Lê Thị Hương